03:49 05/04/2017
Đây là câu hỏi mà CEO Dịch vụ rất thường xuyên nhận được từ các bạn du học sinh và thực tập sinh lần đầu ra nước ngoài. Tâm trạng hồi hộp, vừa khấp khởi hy vọng lại vừa lo vừa buồn vì phải chia tay gia đình khiến các bạn thường nhớ trước quên sau, chuẩn bị hành trang không đầy đủ, gây những rắc rối không đáng có về sau. Vậy nên, CEO Dịch vụ sẽ cùng các bạn điểm qua những vật dụng cần thiết nhất để bạn lên đường mã đáo thành công!
Giấy tờ tùy thân bao gồm: Visa và hộ chiếu (bản gốc), học bạ và giấy khai sinh (bản photo có công chứng), các giấy giới thiệu và thư tín cá nhân (nếu có nhưng hãy hạn chế tối thiểu). Riêng những giấy tờ đặc biệt quan trọng này, bạn nên cất riêng vào một túi chống thấm và luôn giữ bên mình suốt hành trình!
Ảnh thẻ: ngay khi đến Nhật, bạn sẽ phải điền các giấy tờ hành chính cần ảnh. Do dịch vụ chụp ảnh ở Nhật khá đắt, bạn có thể tiết kiệm bằng cách mang 50 hay 60 tấm ảnh thẻ dùng cho 3 đến 5 năm.
Tiền: bạn chỉ nên mang theo tiền Yên Nhật, khoảng 100.000 Yên nếu bạn có học bổng hoặc là thực tập sinh được Nghiệp đoàn ứng tiền. Còn nếu bạn đi du học tự túc, 1 vạn Yên cũng không phải là thừa.
Thuốc: tới Nhật, toàn bộ môi trường sống và thói quen của bạn sẽ bị đảo lộn một thời gian. Vì thế, bạn cần mang theo thuốc để bảo vệ sức khỏe của mình. Trước hết là thuốc cảm cúm, đau họng, đau bụng, đi ngoài và Vitamin C bởi rau ở Nhật rất đắt. Tuy vậy, hãy hạn chế số lượng và loại thuốc bạn đem theo, đựng vừa một chiếc ví cầm tay là đủ.
Thức ăn khô: trong thời gian chưa quen đồ ăn ở Nhật, những gói mì tôm và lọ ruốc từ quê nhà sẽ an ủi cái dạ dày của bạn. Nhưng đừng cố mang nhiều đồ ăn hay gia vị như mắm muối! Bạn sẽ làm lãng phí không gian vali của mình!
Túi xách (hoặc ba lô) và giày thể thao: ở Nhật, việc đi bộ vài cây số là hoạt động hàng ngày. Bạn nên ưu tiên một đôi giày thể thao thay vì các loại giày điệu đà, tương tự là một chiếc túi xách đa năng và chắc chắn.
Quần áo: quần áo, bàn chải đánh răng là thứ thiết yếu nhưng bạn đừng mang nhiều vì những thứ này rất dễ mua ở Nhật, chất lượng tốt mà giá thì phải chăng.
Dụng cụ học tập: ngoài máy tính xách tay ra thì bạn chỉ nên mang theo 2 cây bút viết. Ở Nhật có những cửa hàng đồng giá 100 Yên, bạn sẽ dễ dàng tìm thấy các dụng cụ học tập và đồ dùng sinh hoạt tại đây. Thậm chí, bạn có thể sang Nhật mua máy mới. Các đồ điện tử ở đây đa dạng hơn Việt Nam mà mức giá chênh lệch không đáng kể.
Bát đũa dùng một lần, xà phòng, dầu gội gói: bạn nên mang đủ dùng trong 1 tuần khi còn lạ nước lạ cái. Sau đó, cửa hàng 100 Yên hân hạnh phục vụ bạn!
Từ điển chữ Kanji: một cuốn từ điển cầm tay là điều bạn không nên quên. Bởi lẽ chính người Nhật Bản cũng bị bộ chữ này làm khó. Hãy mang từ điển này bên mình cho đến khi bạn đã quen với đường phố và những biển báo thông dụng.
Tóm lại, giới hạn hành lý 40kg (20kg đối với thực tập sinh) sẽ khiến bạn phải đau đầu nhấc lên đặt xuống những món đồ bạn không nỡ bỏ lại. Hy vọng với những gợi ý trên đây, bạn sẽ có được sự lựa chọn dễ dàng hơn và tránh bỏ sót những vật dụng nhỏ mà hữu ích! Chúc bạn thuận buồm xuôi gió trên hành trình mới mẻ này!
Mã NTMua vàoBán ra